Top 10 ngành dễ kiếm việc nhất 2014
"Cơ hội tìm việc đang rất rộng mở với một số ngành không cần bằng cấp cao", theo thống kê của trang tuyển dụng trực tuyến timviecnhanh.Com 5 tháng đầu năm 2014.
Bán hàng:
Cơ hội rộng mở cho người tìm việc Bán hàng là công việc có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất với 13.068 tin trong 5 tháng đầu năm 2014 và 20.512 tin tuyển dụng trong năm 2013. Hầu như doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đều đặc biệt khát nhân viên bán hàng, vì đây là bộ phận chính yếu mang lại lợi nhuận cho công ty, tuy yêu cầu tuyển dụng đơn giản nhưng để đáp ứng được doanh thu cho đơn vị không hề dễ. Thế nhưng cũng giống như tư vấn bảo hiểm, vị trí bán hàng cũng được coi là không ổn định và không được người lao động “ưu ái” dù tỷ lệ thất nghiệp đang khá cao. Trong phỏng vấn với báo Doanh nhân Sài Gòn, bà Đào Chân Phương - Tổng giám đốc Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) - cũng chia sẻ nỗi chật vật của các ngân hàng về mảng nhân sự này. "Ngay những vị trí yêu cầu thấp như sales cũng không dễ tuyển. Lấy ví dụ không xa, ngay 3 ngân hàng thuộc top 5 có hợp tác với BTCI để tuyển dụng cũng chưa tìm được đủ người. Có những ngân hàng còn hạ tiêu chuẩn, chỉ cần "tốt nghiệp cao đẳng, có hiểu biết về tài chính ngân hàng là một lợi thế" mà vẫn không tuyển nổi", bà cho biết.
Tư vấn bảo hiểm:
Trên 10.000 việc đang chờ người Có tới 11.836 lượt đăng tuyển mảng tư vấn bảo hiểm, chiếm 10.3% tổng số tin tuyển dụng. Trong khi đó chỉ có 325 hồ sơ ứng tuyển trong ngành này, đứng thứ 46/56 về số lượng hồ sơ tại Timviecnhanh. Sự lệch pha này có thể do e ngại của người lao động về sự ổn định về công việc và thu nhập. Lê Hương Mai (SN 1991) cho biết đã tốt nghiệp ĐH gần 1 năm, nhưng vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. Mai định hướng vào công việc hành chính – văn phòng, nhưng những lời mời tuyển dụng chủ yếu là vị trí tư vấn bảo hiểm. “Mình từ chối hết, vì tư vấn bảo hiểm thì ai chẳng được nhận, nhưng hầu như ít có lương cứng mà bán bao nhiêu được bấy nhiêu. Công việc và thu nhập không ổn định, nếu nói với gia đình ở quê là con đi bán bảo hiểm thì chắc gia đình sẽ không chấp nhận...” – Mai chia sẻ.
Mảng báo chí/Biên tập viên:
Khát nhân sự Công việc mảng báo chí/biên tập viên rất đa dạng và thu hút, gồm biên tập sản phẩm truyền hình, biên tập tạp chí, website, cộng tác viên dịch và viết bài hay thậm chí kinh doanh quảng cáo… với mức lương không quá cao, phổ biến từ 5-8 triệu. Lượng tin tuyển dụng tới 6129 đưa mảng báo chí/biên tập viên lên vị trí thứ 3 về lượng tin tuyển dụng, nhưng ngành này đặc biệt “khát” nhân sự với chỉ 407 hồ sơ, xếp thứ 44 trên 56 ngành về lượng hồ sơ ứng tuyển. Nhu cầu tìm việc của sinh viên mới ra trường rất lớn.
“Phá băng”, Bất động sản vào top 4
Cũng không xuất hiện trong Top 10 năm 2013, việc ngành bất động sản trên đà “phá băng” trong những tháng đầu năm 2014 khiến nhu cầu nhân lực ngành này tăng cao với vị trí thứ 4. Công việc ngành BĐS hầu hết là vị trí kinh doanh, marketing online và tư vấn BĐS. Nhưng có mức lương khá cao, trung bình từ 8-15 triệu kèm hoa hồng hấp dẫn. Mặc dù vậy, 5 tháng đầu năm 2014 chỉ có 803 hồ sơ ứng tuyển so với 4825 lượt đăng tuyển ngành BĐS. Có rất nhiều cơ hội ngành này nếu bạn là người năng động, tự tin và ưa thử thách.
Biên dịch/Phiên dịch, cầu tăng đột biến
Đứng thứ 5 là các công việc biên dịch/phiên dịch, trong khi năm 2013 ngành này chưa hề vào top tuyển dụng. Cơ hội nghề nghiệp đa dạng, mức lương có thể tới trên 30 triệu với các ngôn ngữ chính Anh, Nhật, Hoa, Đức… nhưng số lượng hồ sơ ứng tuyển biên/phiên dịch 5 tháng đầu năm 2014 chỉ là 716 so với 4602 tin tuyển dụng. Với việc Việt Nam chuẩn bị tham gia TPP, dự đoán nhu cầu nhân sự có ngoại ngữ sẽ còn tăng mạnh.
Bưu chính viễn thông “nóng”
Ngành Bưu chính viễn thông với các công việc đa dạng từ đánh máy văn bản tại nhà đến kỹ sư, trưởng phòng hệ thống mạng, hạ tầng viễn thông… đứng ở vị trí thứ 6, nguồn cung nhân sự chỉ đáp ứng được 26.32%. Mức lương trải rộng từ 3-4 triệu tới trên 30 triệu, từ nhiều doanh nghiệp nổi tiếng như Vietel, FPT… hay các doanh nghiệp tại nước ngoài.
Cơ khí/Kĩ thuật ứng dụng tăng nhẹ cầu, giảm mạnh cung
Cơ khí/ kỹ thuật ứng dụng đã thăng hạng từ thứ 9 năm 2013 lên thứ 7 về số tin tuyển dụng. Nếu năm 2013 có đến 6.008 hồ sơ ứng tuyển trên 5.543 tin đăng tuyển, thì 5 tháng đầu năm 2014 mới chỉ có 2.530 hồ sơ trên 4.145 tin tuyển dụng. Phải nhấn mạnh rằng đây là ngành nghề kĩ thuật nhưng không yêu cầu đào tạo chuyên sâu, chủ yếu chỉ yêu cầu trình độ trung cấp. Có rất nhiều vị trí dành cho công nhân kỹ thuật như thợ điều hòa, thợ điện nước, thi công, nhân viên bảo trì tòa nhà, điện công nghiệp… với mức lương phổ biến từ 5-8 triệu.
Công nghệ thông tin sắp bão hòa nhân lực
Dù không còn là một ngành quá hot như vài năm trước nhưng CNTT vẫn đang thuộc hàng top với 3.5% số tin tuyển dụng đầu năm 2014, so với 4.1% của năm 2013 thì CNTT đã sụt từ thứ 5 xuống vị trí thứ 8. Tỉ lệ cung/cầu đang ở mức 69.6%. Riêng mobile app developer vẫn đang ngày càng được săn đón nhờ sự phát triển các dòng sản phẩm smartphone của hầu hết các hãng điện thoại. Không chỉ các doanh nghiệp chuyên về công nghệ, mà hầu như mọi lĩnh vực đều cần đến nhân sự CNTT với cơ hội ngành nghề rất đa dạng.
Dầu khí/ Địa chất: thiếu 90% nhân lực
Gần tương đương với Dệt may về số tin tuyển dụng là ngành Dầu khí/ Địa chất với vị trí thứ 9. Ngành này thậm chí “khát” nhân sự hơn nhiều với chỉ 330 hồ sơ trong 5 tháng đầu năm 2014, đáp ứng dược 10.06% nhu cầu nhân lực. Các công việc trong ngành Dầu khí/ Địa chất gồm thợ khoan, trắc địa, kỹ sư, giám sát… với mức lương phổ biến từ 5-8 triệu cho trình độ Trung cấp, Cao đẳng và từ 8-15 triệu cho trình độ Đại học, thậm chí nhiều cơ hội tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm hoặc bằng cấp với mức lương từ 3-4 triệu tới 8 triệu.
Dệt may: Tuyển nhiều, ứng viên ít
Chỉ trong 5 tháng, đã có 3.276 tin tuyển dụng ngành dệt may, chiếm 2.8% trong tổng số 115.256 tin đăng tuyển. Trong khi đó, chỉ có 680 hồ sơ ứng tuyển, đứng thứ 37/56 ngành về số lượng hồ sơ. Các cơ hội công việc trong ngành này khá đa dạng, từ công nhân may, rập đến thiết kế quy trình công nghệ, quản đốc, thiết kế thời trang và chuyên viên kế hoạch.
Theo dự báo của ManpowerGroup (Tập đoàn Đào tạo và cung cấp lực lượng lao động), trong khoảng 2 hoặc 3 năm tới, đầu tư của các doanh nghiệp FDI sản xuất sẽ chuyển đổi từ Trung Quốc sang VN, khiến nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh đối với tất cả các nhóm kỹ năng lao động tại các nhà máy sản xuất, từ công nhân có tay nghề thấp tới quản lý cấp trung. “Điều này có nghĩa là nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề, bao gồm kỹ thuật viên và kỹ sư, trong khu vực FDI sẽ tăng đều trong những năm tới”, Giám đốc điều hành ManpowerGroup tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông, Simon Matthews, nhận xét.
Theo Zing
Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ lạm phát
“ Lớp người đi đầu trong xây dựng và phát triển kinh tế hiện nay không phải là ai khác ngoài tầng lớp Doanh nhân Việt Nam”. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, nền kinh tế nước ta đã không biết bao lần thay da, đổi thịt. Vốn đi lên từ nền kinh tế nông nghiệp tự cung, tự cấp là chủ yếu, đến nay nền kinh tế nước ta đã phát triển đa ngành nghề và đã trở thành nền kinh tế hội nhập.
Doanh nhân là hai từ có ý nghĩa rộng, sog chúng ta có thể được hiểu một cách đơn giản là “ Doanh nhân là những người làm nghề kinh doanh một cách chuyên nghiệp, là một chuyên gia về quản lý kinh doanh, là một nhà trí thức lao động trí óc và sử dụng tổng hợp kiến thức đa lĩnh vực, đa nguồn. Doanh nhân là người biết tập hợp, kết hợp các nguồn lực khác nhau của xã hội điều phối các nguồn lực này vào các hoạt động sản xuất, dịch vụ của Doanh nghiệp.”
Doanh nhân Việt Nam, bạn là ai? Thường chúng ta đánh đồng Doanh nhân với Doanh nghiệp, vấn đề thoạt nhìn tưởng chừng hợp lý nhưng thực ra lại khác nhau hoàn toàn, Doanh nghiệp là thể nhân còn Doanh nhân là cá nhân. Nhưng Doanh nhân lại đóng vai trò quan trọng cho sự thành bại của Doanh nghiệp.
Nước Việt Nam ta hiện nay đang thực hiện một nhiệm vụ, một ước mơ to lớn là Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”- một sự nghiệp chưa từng diễn ra trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc.
Nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của cả dân tộc. Phát triển kinh tế của đất nước có ý nghĩa sống còn “ tồn tại hay không tồn tại” đối với đất nước ta.
Nguyên Chủ tích Quốc hội Nguyễn Văn An cũng đánh giá cao vai trò của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam, coi đội ngũ này như một nguồn lực quý báu của nhân dân trong sự phát triển: “ Đội ngũ Doanh nhân giữ vai trò quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế đất nước. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, các Doanh nhân đã thực sự tạo một nguồn của cải vật chất khổng lồ đóng góp vào sự phồn vinh của xã hội. Thật khó có thể hình dung nếu thiếu đi đội ngũ hung hậu hành chục vạn Doanh nhân, đất nước sẽ mất đi một nguồn của cải lớn như thế nào và tốc độ phát triển các mặt khác của xã hội sẽ bị ảnh hưởng ra sao.”
Đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát như hiện nay, đội ngũ Doanh nhân Việt Nam càng có trọng trách nặng nề hơn, họ không chỉ điều hành, quản lý Doanh nghiệp của mình mà còn phải đưa ra những hướng đi mới, những mục tiêu mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô của đất nước. Đây là một tronmg những trọng trách ở tình thế “ Ngàn cân treo sợi tóc”.
Mặc dù đứng trước muôn vàn khó khăn, song đội ngũ Doanh nhân Việt Nam cũng đã nỗ lực rât nhiều trong việc phấn đấu để hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm cũng như năng lực lãnh đạo của mình một cách xuất sắc.
Tuy nhiên, song song với những thành tựu mà đội ngũ Doanh nhân Việt Nam đã đạt được thì trong họ vẫn còn những mặt hạn chế chưa hoàn thiện được, đó chính là khát vọng và tầm nhìn, tầm nhận thức, tầm tư duy của chính các Doanh nhân còn nhiều hạn chế, nhiều Doanh nhân chưa đủ sức mạnh, chưa đủ mạo hiểm để vượt qua những khó khăn, thử thách của thời cuộc để đi đến cái đích cuối cùng mà họ mong muốn.
Những hạn chế nêu trên đã cản trở Doanh nhân và Doanh nghiệp tiến ra biển lớn hội nhập.Vì vậy kể từ khi Việt Nam ra nhập WTO thì nhiều ngành hàng, nhiều mặt hàng cứ đuối dần và thua ngay trên sân nhà. Nhiều Doanh nhân và Doanh nghiệp khó thoát cảnh gia công, lắp ráp, trở thành đại lý phân phối hàng, thực chất là làm thuê, bàn hàng thuê cho Doanh nghiệp nước ngoài, giúp họ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, thu lợi nhuận ngay trên lưng dân mình.
Không những thế, phần lớn đội ngũ Doanh nhân Việt Nam còn sự thiếu chuyên nghiệp, vì hầu hết các Doanh nhân Việt bước vào kinh doanh bằng ý chí vươn lên làm giàu, chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng này, đội ngũ Doanh nhân phải tự trau dồi cho mình những kiến thức cơ bản về cách điều hành, quản lý Doanh nghiệp, phải có tầm nhìn về hội nhập và cần có nhiều ý tưởng mới, có nghệ thuật tổ chức, nghệ thuật dùng người.Doanh nhân phải luôn được trang bị những nhận thức mới và tư duy mới về kinh tế, kinh doanh và Quản trị Doanh nghiệp, có khả năng lựa chọn khôn ngoan con đường phát triển bền vững cho Doanh nghiệp của mình.
Để bắt nhịp cuộc sống, bắt nhịp với sự biến đổi đột ngột của xã hội, đội ngũ Doanh nhân phải có nhiều kĩ năng sáng tạo, có sự nhạy bén để nắm bắt tình hình của xã hội, từ đó đưa ra những hướng đi đúng đắn cho Doanh nghiệp mình.
Ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam cũng đã có những chia sẻ: “ Thị trường thế giới Hội nhập đổi thay nhanh chóng, phương thức và cách thức kinh doanh cũng cũng luôn thay đổi,luôn sáng tạo, vì vậy các Doanh nhân phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đổi mới, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực tư duy, song song với việc phát huy lòng tự tôn dân tộc Việt Nam, không chịu thua kém Doanh nghiệp, Doanh nhân của các nước trong khu vực và trên thế giới. Chỉ có như vậy chúng ta mới có quyền hy vọng đến một ngày không xa Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam sẽ sánh vai với Doanh nhân, Doanh nghiệp các cường quốc năm châu trong cuộc chơi hội nhập toàn thế giới.”
Điều đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát như hiện nay thì đội ngũ Doanh nhân cần phải biết mạo hiểm, chấp nhận rủi ro và phải vững tay lái để đưa con tàu của mình vượt qua” muôn trùng sóng gió”. Bên cạnh đó thì Đảng và Nhà nước cũng cần có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo đội ngũ Doanh nhân, hỗ trợ tới mức tối đa và tạo điều kiện để họ có thể tham gia vào các lớp đào tạo bài bản, chuyên nghiệp có như vậy thì mới mong Việt Nam có một đội ngũ Doanh nhân mang tầm quốc tế.
Kỷ Yếu Ngày nhân sự Việt Nam - Vietnam HRDay
Phạm Ngọc Vy
Giám đốc nhân sự VietUnion Online Services Corporation
0 nhận xét :
Đăng nhận xét