Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng để "Chiêu mộ" nhân tài
Hãy thử tưởng tượng ai đó nói với bạn “Tôi đang làm việc cho Google”. Chắc chắn, bạn sẽ thốt lên đầy ngạc nhiên xen lẫn ngưỡng mộ “Ồ, thế à?” Quả thật, ngày nay được làm việc với những công ty lớn như Google luôn là niềm tự hào của nhiều người. Yếu tố nào đã tạo nên sức hấp dẫn của các nhà tuyển dụng hàng đầu như thế? Câu trả lời nằm ở thương hiệu tuyển dụng nhân sự - nam châm thu hút nhân tài về “đầu quân”.
Thương hiệu chung và thương hiệu riêng
Tất cả các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững đều cần có chiến lược xây dựng thương hiệu của mình. Tuy nhiên một số nhà quản trị lại chỉ chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, mà xem nhẹ thương hiệu trong tuyển dụng nhân sự. Một số doanh nghiệp khác thì chủ trương thương hiệu trong tuyển dụng nhân sự (thương hiệu riêng) nên độc lập với thương hiệu doanh nghiệp (thương hiệu chung). Đây là những quan niệm sai lầm vì thương hiệu tuyển dụng là một thành phần quan trọng của thương hiệu doanh nghiệp vì nó truyền đạt thông tin về văn hóa, mục tiêu và giá trị của doanh nghiệp để thu hút nhân tài về “đầu quân”.
Giá trị của thương hiệu trong tuyển dụng nhân sự
Một thương hiệu mạnh trong tuyển dụng nhân sự mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.Trước hết, thương hiệu này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình tuyển dụng. Khi quảng bá rộng rãi những giá trị, mục tiêu và văn hóa của tổ chức thì bạn sẽ giảm thiểu được lượng ứng viên không phù hợp ứng tuyển vào công ty. Quan trọng hơn, nếu xây dựng được danh tiếng như một trong những nhà tuyển dụng hàng đầu, bạn sẽ dễ dàng “chiêu mộ” và giữ chân nhân tài vì người tài luôn tìm kiếm nơi xứng đáng để “dụng võ”.
Vậy làm thế nào để xây dựng thương hiệu trong tuyển dụng nhân sự thật hiệu quả? Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý:
Định vị nhân tài thật rõ ràng
Bạn cần xác định được nhân tài mình muốn thu hút là ai. Hãy tìm hiểu những điều mà họ quan tâm, những mục tiêu, ước mơ và giá trị mà họ đang tìm kiếm ở một nhà tuyển dụng.
Xác định giá trị có thể mang lại cho người lao động
Người lao động thường chỉ muốn làm việc cho những doanh nghiệp có khả năng mang lại cho họ giá trị vật chất hoặc tinh thần nào đó. Trong đó, giá trị tinh thần như niềm tự hào là quan trọng nhất. Chẳng hạn, Google truyền đạt thông điệp rằng mọi nhân viên của họ sẽ được tạo điều kiện tối đa để góp sức vào “đại nghiệp” giúp mọi người trên toàn thế giới truy xuất thông tin miễn phí. Vì vậy, bạn cần xác định những giá trị quan trọng nhất mà doanh nghiệp có thể mang lại cho người lao động. Đây chính là “chất liệu” giúp bạn tạo ra những thông điệp marketing đắt giá để thu hút nhân tài.
Hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu đúng đắn
Tất cả các thương hiệu mạnh trong tuyển dụng nhân sự hiện nay đều được xây dựng trong nhiều năm. Muốn hoạch định được chiến lược đúng đắn, nhà quản trị cần có tầm nhìn xa về đường hướng phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, kết nối được giá trị của thương hiệu tuyển dụng với thương hiệu sản phẩm và thương hiệu công ty. Chú ý là bạn cần đặt ra mục tiêu rõ ràng cho từng thời kỳ để việc hoạch định chiến lược thương hiệu thành công.
Khai thác tối đa sức mạnh của phương tiện truyền thông
Với chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng trong tay, bạn cần chọn phương tiện truyền thông phù hợp và hiệu quả. Mỗi nhà quản trị có sự lựa chọn khác nhau, nhưng theo các chuyên gia thì bạn nên dùng trang web tuyển dụng của công ty như “vũ khí” chính. Trang web này sẽ truyền tải thông điệp đến ứng viên rằng công ty là nơi thích hợp để họ tạo dựng sự nghiệp. Bạn còn có thể dùng các công cụ hỗ trợ khác như bài viết PR trực tuyến (online) hoặc ngoại tuyến (offline) về công ty hoặc video và hình ảnh giới thiệu về những giá trị và văn hóa của công ty.
Đo lường hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu
Trong quá trình xây dựng thương hiệu, bạn cần thường xuyên theo dõi mức độ thành công mình đã đạt được bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, hãy thử đề cập về công ty của bạn tại một buổi tiệc, và để ý xem có bao nhiều người biết và ấn tượng chung của họ về công ty là tiêu cực hay tích cực. Một cách khác là dựa trên chất lượng hồ sơ ứng viên mà bạn nhận được khi đăng thông báo tuyển dụng. Thậm chí, bạn còn có thể đánh giá danh tiếng của công ty dựa trên số nhân viên của mình mà các đối thủ săn đón.
Làm cách nào để tuyển dụng và giữ chân nhân tài luôn là một vấn đề khiến các nhà quản trị doanh nghiệp “đau đầu”. Tuy nhiên, nếu có được một thương hiệu mạnh trong tuyển dụng nhân sự thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Vì thế, bạn hãy dành sự đầu tư tương xứng cho việc xây dựng thương hiệu này. Rất có thể một ngày nào đó, nhân viên công ty của bạn cũng sẽ tự hào về nơi họ làm việc giống như Google hiện nay vậy!
(Nguồn Vietnamworks.Vn)
Chuyên viên tư vấn nhân sự, nghề thời thượng
Có lẽ bạn từng thắc mắc nghề “Chuyên viên tư vấn tuyển dụng cao cấp” là gì? Vì sao hiện nay nghề này được xem là nghề VIP? Chuyên viên tư vấn tuyển dụng cao cấp là “cầu nối” giữa các nhà tuyển dụng và nhân tài.
Nói cách khác họ là người “chiêu binh” cho CEO và Giám đốc nhân sự của các công ty trong hành trình săn lùng nhân tài. Nếu bạn hỏi bất kỳ CEO nào ở Việt Nam: “Mối quan tâm hàng đầu của ông trong công tác quản lý là gì?”, chắc chắn họ sẽ trả lời ngay: “Nhân sự”. Thật vậy, Nhân Sự là tài sản lớn nhất của các công ty, là nhân tố giá trị nhất mà các CEO không tiếc thời gian, ngân sách và công sức để tìm kiếm, chiêu mộ và lưu giữ lâu dài. Chuyên viên tư vấn là người nắm lấy sứ mệnh quan trọng: giúp các ứng viên và nhà tuyển dụng “tìm thấy nhau”.
“Tôi yêu công việc của mình. Tôi gắn bó với vị trí này đã 4 năm nay. Theo tôi, sau nghề bác sĩ và giáo viên, tư vấn nhân sự là nghề cao quý thứ ba. Tôi tự hào được giúp đỡ mọi người tìm thấy những công việc mơ ước của họ, cải thiện cuộc sống, giúp họ tăng thu nhập và phát triển sự nghiệp”. Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Lan Phương, Giám sát viên bộ phận tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao của công ty Navigos Group. Không khó lý giải vì sao Lan Phương yêu công việc này đến thế. Công việc của cô đang làm không hề đơn điệu. Cô có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với các ứng viên và nhà tuyển dụng ở đủ mọi ngành nghề, trình độ và nhiều quốc tịch khác nhau. Hầu hết ứng viên cô tiếp xúc đều ở vị trí cấp cao.
Nhìn vào danh sách khách hàng của Phương, chúng ta hiểu ngay vì sao cô là người luôn bận rộn, năng động và sáng tạo. Khách hàng của cô đến từ các tập đoàn đa quốc gia, công ty tư nhân, công ty cổ phần; từ công ty có quy mô nhỏ, vừa đến lớn; từ ngành Hàng tiêu dùng, Dược phẩm, Dầu khí, Bảo hiểm, Kỹ thuật, Bất động sản cho đến Giáo dục, Ngân hàng, Tài chính , Quỹ đầu tư, Xây dựng... Và “quà tặng” quý báu nhất mà không một nghề nào khác có thể mang đến cho cô: những mối quan hệ chuyên nghiệp và kiến thức rộng về đủ ngành nghề đa dạng. Lan Phương cho biết thêm “Tìm được công việc tốt cho các ứng viên là niềm hạnh phúc to lớn của tôi”.
“Thế một ngày làm việc của chuyên viên tư vấn nhân sự ra sao?”– Chị Phương cho biết “Tìm kiếm ứng viên, phỏng vấn họ, gặp gỡ, đến thăm khách hàng và khám phá nhu cầu của họ…” Bằng việc sử dụng kỹ năng sắc bén, sự thân thiện và khả năng giao tiếp hoàn hảo, các chuyên viên tư vấn sẽ tìm ra ứng viên tài năng và các ứng viên phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà tuyển dụng.
Với những hiểu biết trên về Chuyên viên tư vấn tuyển dụng cao cấp, bạn hãy tự hỏi mình xem: “Tôi có phẩm chất của một chuyên viên tư vấn tuyển dụng không? Tôi có muốn trở thành nhà tuyển dụng không?”, “Tôi có muốn mở rộng mối quan hệ của mình?”. Nếu trả lời Có, bạn đã đặt một chân vào vị trí hấp dẫn này. Vấn đề còn lại là bạn cần tự tin để trở thành một Chuyên viên tư vấn tuyển dụng cao cấp luôn thành công trong nghề.
Theo vietnamworks.Com
0 nhận xét :
Đăng nhận xét